“Phụ nữ ở nhà chăm con là những kẻ ăn bám” liệu có phải?

Tâm sự: Sau khi sinh con, nhiều chị em không chỉ mất đi vóc dáng xinh đẹp mà còn phải bỏ dở công việc của mình. Dù đã phải hy sinh rất nhiều, thế nhưng họ vẫn bị coi là “kẻ ăn bám”.

Sau khi sinh, nhiều mẹ bỉm sữa vì hoàn cảnh phải ở nhà chăm con. Thế nhưng thay vì thông cảm, thấu hiểu, nhiều người chồng lại tỏ ra cáu gắt, xem thường vợ. Không ít phụ nữ phải nhẫn nhục ngậm đắng nuốt cay khi bị coi là kẻ ăn bám trong gia đình chồng. Vì thế, chia sẻ của chủ tài khoản Facebook B.T về vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo chị em.

Dòng chia sẻ trên mạng xã hội
Dòng chia sẻ trên mạng xã hội

Là một người chồng, anh B.T cho rằng: “Người phụ nữ của chúng ta có công ăn việc làm hay không thì người đàn ông cũng đừng bao giờ nói hai từ ‘ăn bám’ hay ‘ở nhà ăn trắng mặc trơn’ với người sinh con cho chúng ta”.

Phụ nữ từ nhỏ đến lớn đều sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, đến khi lấy chồng họ phải hy sinh rất nhiều nhưng không được ai ghi nhận. Chưa kể, phụ nữ phải luôn gánh trên vai bốn chữ “vợ hiền, dâu thảo”.
Anh B.T viết: “Theo tôi được biết thì một số ít các bà mẹ chồng, khác máu tanh lòng thấy con dâu ở nhà còn con trai đi làm thì xót con trai rồi miệt thị con dâu. Một số đấng mày râu vẫn theo cái quan niệm cổ hủ và cũ rích đó.

Người phụ nữ ở nhà phải làm quần quật suốt 20 tiếng đồng hồ. Biết bao nhiêu công việc họ đều gánh trên vai

Những người không đi làm ở nhà chăm con sẽ phải gánh tiếng ‘ăn bám’. Mà những kẻ ăn bám thì không được coi trọng. Phải thức trông con cho người đi làm ngủ, phải giữ con cho người đi làm ăn cơm trước. Phải làm tất tần tật việc nhà và phải đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho người đi làm về ăn.

Kẻ ăn bám thì có thể không cần ăn sáng, cơm mỗi bữa có ăn ít 1 chút cũng không sao vì ở nhà thì đâu có mệt như người đi làm”.

Thử đặt trường hợp nếu không có vợ là hậu phương vững chắc thì người chồng làm sao có thể an tâm công tác? Rất nhiều chị em phụ nữ đồng tình với bài viết của của anh B.T

Ảnh minh họa

.“Cuộc đời vốn dĩ đã chuộng đàn ông hơn phụ nữ. Con ngoan thì là do bố, ông bà mà con hư thì tại mẹ ở gần con ngày ngày mà không dạy dỗ tới nơi tới chốn”, H.A than thở.

Nếu như tất cả các người chồng, mẹ chồng đều hiểu nỗi lòng của con dâu thì đâu có những thảm kịch gia đình đau lòng”, M.T bình luận.